Truyền Thông

Hệ thống sấy khô bằng năng lượng mặt trời với công nghệ sấy động tiết kiệm nhân công, diện tích phơi sấy, nâng cao chất lượng và cảm quan của sản phẩm, tăng năng suất lên gấp 3 lần so với phương pháp thủ công.

Đó là sáng tạo của ThS Phan Văn Hiệp, giảng viên khoa Kỹ thuật Công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến.

Dựa vào hiệu ứng nhà kính

ThS Phan Văn Hiệp nhận thấy đặc trưng địa lý Việt Nam là một nước có tổng số giờ nắng trong năm rất cao, đó là một nguồn tài nguyên và năng lượng vô tận.

Đặc biệt, khi hiện tượng biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu đang là vấn đề nhức nhối, thì sử dụng nguồn năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường, thì không có lý do gì chúng ta không tận dụng nguồn năng lượng của thiên nhiên ban tặng để phát triển công nghệ sấy khô nông sản, thực phẩm. Thầy Hiệp bắt tay vào nghiên cứu đề tài sử dụng năng lượng mặt trời để sấy khô cá và các loại nông sản, thực phẩm khác nhau.

“Trên thị trường có hai phương pháp sấy khô phổ biến là phơi nắng truyền thống và sấy công nghiệp. Phơi nắng tự nhiên thì khô cá sẽ ngon hơn nhưng bị phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu nắng mưa thất thường, tiêu tốn nhiều nhân công. Chưa kể khô cá phơi ngoài tự nhiên sẽ bị nhiễm vi sinh, trứng ruồi và bụi bẩn. Còn máy sấy công nghiệp thì cá khô nhanh nhưng bị cứng, mất màu sắc, mất độ dai và độ ngọt tự nhiên”, thầy Hiệp nhận định.

Với công nghệ và thiết bị phơi sấy ứng dụng năng lượng mặt trời với giàn sấy động, năng suất phơi sấy tăng ít nhất gấp ba lần, chất lượng thành phẩm đảm bảo các yếu tố an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, tiết kiệm năng lượng, nhân công, không gian nhà xưởng.

Máy sấy năng lượng mặt trời hoạt động dựa vào nguyên lý hiệu ứng nhà kính. Ánh sáng mặt trời chiếu xuống xuyên qua mặt kính (hay tấm trong suốt), gặp vật màu tối (là sản phẩm sấy) được xếp trên các giàn phơi sấy đặt trong hệ thống quay và đặt bên trong buồng thu năng lượng, là một dạng bẫy nhiệt, khiến cho cả giàn quay nóng lên.

Các sản phẩm sấy khi nóng lên sẽ bốc hơi nước, các khay và khung giàn nóng lên làm cho không khí trong buồng cũng nóng lên. Hệ thống quạt thổi-hút khí sẽ đưa không khí nóng có ẩm thoát ra ngoài.

Các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm đặt bên trong buồng phơi sấy sẽ truyền các thông số về bộ xử lý trung tâm (CPU), vừa hiển thị các thông số này ra LCD, vừa tự động điều chỉnh tốc độ quay của giàn phơi sấy, tốc độ của dòng tác nhân sấy, hệ thống bạt che cắt nắng/che mưa sao cho đảm bảo cấu trúc cảm quan của sản phẩm.