Tin Tức

(NLĐO)- Nhiều năm nay, máy sấy vạn năng sử dụng năng lượng mặt trời do giảng viên Trường ĐH Văn Hiến (TP HCM) nghiên cứu sáng chế đã trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của nông dân

Tính đến nay, ThS Phan Văn Hiệp, giảng viên khoa Kỹ thuật – Công nghệ Trường Đại học Văn Hiến, đã nâng cấp hơn 30 phiên bản máy sấy. Sử dụng “bẫy nhiệt mặt trời”, lập trình bằng vi điều khiển và sấy trên 100 loại sản phẩm là những ưu điểm nổi trội của dòng máy sấy này.

Bén duyên với khởi nghiệp từ đề tài nghiên cứu khoa học

Năm 2017, thầy Hiệp nhận đề tài nghiên cứu ứng dụng năng lượng mặt trời để sấy cá sặc rằn cho Hợp tác xã thủy sản Tương Lai (huyện Củ Chi) do Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM đặt hàng.

Trong vòng 5 tháng, phiên bản máy sấy bằng năng lượng mặt trời ITS đầu tiên được “ra lò”. Giai đoạn này, thầy Hiệp vẫn chưa có ý định thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.

“Đề tài nghiệm thu xuất sắc nên được phát sóng trên đài truyền hình. Lúc ấy, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại của bà con nông dân, mọi người mong muốn được trải nghiệm và sử dụng máy sấy để kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, tôi nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp, biến chiếc máy thô sơ thành phiên bản vạn năng”- thầy Hiệp chia sẻ.

ThS Phan Văn Hiệp là "cha đẻ" của máy sấy ITS
ThS Phan Văn Hiệp là “cha đẻ” của máy sấy ITS

Sử dụng máy sấy ITS được hơn 1 năm, ông Lê Văn Nam, nông dân hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), cho biết mọi người đặt tên là máy sấy vạn năng – chiếc máy không thể thiếu của nhà nông.

“Tôi đã thử sấy trên 10 loại thực phẩm khác nhau bao gồm rau, củ quả, thịt cá, thảo dược. Thành phẩm thu được cho kết quả rất bất ngờ, trái cây sấy dẻo giữ được độ ngọt và màu sắc tự nhiên 80%; khô cá một nắng giữ được độ dai và thơm ngon hơn phơi truyền thống” – ông Nam hào hứng nói.

Thầy giáo kỹ sư cho biết công nghệ sấy lạnh, sấy thăng hoa là những công nghệ sấy hiện đại nhất hiện nay, tuy nhiên giá thành các thiết bị này rất cao; công nghệ sấy gia nhiệt bằng chất đốt có giá thành rẻ hơn nhưng gây ô nhiễm môi trường, thực phẩm bị ám mùi; còn sấy gia nhiệt bằng điện thì lượng điện năng tiêu thụ cũng khá cao.

“Mùa nào thức đó, người nông dân không phải chỉ nuôi trồng một loại sản phẩm. Máy sấy phải đa năng thì mới dễ sử dụng. Tôi chọn sấy gia nhiệt bằng năng lượng mặt trời vì đây là nguồn năng lượng vô tận, sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn cho bà con nông dân” – thầy Hiệp cho biết.

blank blank

Hoa thanh long, xoài, cam sau khi được sấy khô vẫn giữ được màu sắc tự nhiên

blank blank

Nhờ sử dụng máy sấy với quy trinh khép kín, các thực phẩm như tôm, cá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn

Trong vòng 2-3 giờ, máy sấy phiên bản hộ gia đình có thể sấy gần 100 kg cá khô một nắng; từ 10-12 giờ để hoàn tất hơn 50kg trái cây sấy dẻo,… Thành phẩm thu được từ máy sấy ITS giúp nông dân tiết kiệm thời gian gần 30% so với cách phơi truyền thống.

Tăng nhiệt độ buồng sấy bằng “bẫy mặt trời”

Chỉ tay vào máy sấy đang hoạt động giữa trời nắng, thầy giáo cho biết máy có thể hoạt động trong điều kiện nắng gắt, nắng yếu và không có nắng.

Loại máy sấy được nông dân sử dụng nhiều nhất là phiên bản hộ gia đình có chiều dài 2,2m, chiều cao 1,3m, khung và vỉ sấy làm từ inox 304, bên ngoài được phủ lớp nhựa polycarbonate trong suốt.

Thầy giáo kỹ sư với những mô hình máy sấy lớn cho doanh nghiệp
Thầy giáo kỹ sư với những mô hình máy sấy lớn cho doanh nghiệp
Thầy Hiệp đang kiểm tra mẻ sấy thảo dược mới
Thầy Hiệp đang kiểm tra mẻ sấy thảo dược mới

“Bẫy nhiệt mặt trời” là tên gọi mà thầy Hiệp đặt cho thiết bị gia nhiệt mặt trời gắn trên nóc máy sấy. Thầy Hiệp lý giải, thiết bị gia nhiệt có hình gợn sóng giúp tăng diện tích tiếp xúc ánh nắng mặt trời, từ đó gia tăng nhiệt độ trong buồng sấy nhanh, có thể lên 60-70 độ C trong điều kiện nắng tốt.

Trong điều kiện không có nắng, các điện trở sẽ được cấp điện và bắt đầu tỏa nhiệt, bù nhiệt cho hệ thống sấy. Thêm vào đó, máy tách ẩm sẽ tách nước trong không khí và thổi không khí rất khô vào buồng sấy. Nhờ vậy, quá trình gia nhiệt bằng điện không tốn nhiều điện năng.

Phía trong máy sấy, thiết bị ứng dụng công nghệ sấy động giúp cho các sản phẩm chuyển động liên tục, nhờ đó mọi vị trí trên vỉ đều nhận được gió và nhiệt đều như nhau, giúp sản phẩm khô rất nhanh và đồng đều. Đặc biệt, trong quá trình sấy có thể gia tăng thêm số tầng sấy để tiết kiệm được không gian và tăng được sản lượng nông sản sấy.

 

Thầy Hiệp trình diễn sấy khô cá điêu hồng tại Đồng Tháp với GS Võ Tòng Xuân
Thầy Hiệp trình diễn sấy khô cá điêu hồng tại Đồng Tháp với GS Võ Tòng Xuân

Là giảng viên kỹ thuật điện tử, thầy Hiệp dễ dàng lập trình vi điều khiển giao tiếp màn hình LCD để điều khiển và giám sát các thông số sấy, có thể sấy cho tất cả các loại sản phẩm từ thủy sản, nông sản, trái cây, thực phẩm, dược liệu, phụ phẩm nông nghiệp, …Ngoài những thông số mặc định trong máy, nông dân hoàn toàn có thể tự cài đặt thông số sấy riêng theo ý muốn.

“Mỗi lần sấy thực phẩm mới, tôi và khách hàng phải ngồi lại để tính toán công thức, thử nghiệm rất nhiều lần mới vừa ý. Hạnh phúc lớn nhất của người nghiên cứu khoa học chính là có thể biến nghiên cứu trên giấy trở thành sản phẩm được ứng dụng trong thực tế”-thầy Hiệp trải lòng.

Nguồn Báo: https://nld.com.vn/